Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

'Xẩm trà đá': Bản tin Xẩm đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam



MV “Xẩm trà đá” là câu chuyện về những chàng thanh niên ngồi vỉa hè lê la trà đá “tám” chuyện với nhau về những vấn đề của xã hội đã được đăng tải trên báo chí nhưng qua ngôn ngữ của Xẩm.



Chọn đúng dịp 21/6, ngày nhà báo cách mạng Việt Nam, nhóm Xẩm Hà Thành chính thức tung ra MV “Xẩm trà đá” hay còn được gọi vui là “thông tấn xã trà đá”. Đây được xem là một sáng tác xẩm hoàn toàn mới, “gom góp” từ rất nhiều các vấn đề xã hội thành một liên khúc xẩm “nóng hổi” tính thời sự hiện nay. Đây là sản phẩm đầu tiên trong series “Xẩm trà đá” mà nhóm định thực hiện trong thời gian tới đây.


Sở dĩ, “Xẩm trà đá” được coi là một cách “làm báo” của Xẩm Hà Thành, bởi toàn bộ nội dung của MV đều là những vẫn đề thời sự lớn đang xảy ra trong thời gian gần đây như những chuyện: thái độ ứng xử văn hóa trong vụ Công viên nước Hồ Tây mở cửa miễn phí đầu mùa hè; chuyện về an toàn hàng không, sự bất an của mọi người khi di chuyển bằng máy bay sau quá nhiều vụ tai nạn hàng không với nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau xảy ra trên toàn thế giới trong 2 năm lại đây…. Tất cả những chuyện này đều rất ồn ào trên mặt báo, gây nhức lòng người dân trong suốt một thời gian dài.


'Xẩm trà đá': Bản tin Xẩm đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam - Ảnh 1


MV “Xẩm trà đá” là câu chuyện về những chàng thanh niên ngồi vỉa hè lê la trà đá “tám” chuyện với nhau về những vấn đề của xã hội đã được đăng tải trên báo chí nhưng qua ngôn ngữ của Xẩm.


Với vai trò là một “công cụ” thể hiện tâm tư tình cảm của người dân, Xẩm nghĩ rằng mình không thể đứng ngoài cuộc và cần góp chung tiếng nói với đông đảo tiếng lòng người dân trước những vấn đề xã hội đang xảy ra. Toàn bộ nội dung câu hát Xẩm Trà Đá đều được khai thác từ báo chí: truyền hình, báo giấy, báo mạng.


Ví dụ như “Dân làng cùng bắt gỗ lậu” được khơi nguồn cảm hứng từ bài báo trên báo Thanh niên, Tuổi Trẻ và Người đưa tin; Bài Tắm Tri Ân được khai thác sau khi có bài thơ của tác giả Duy Tuấn được trích đăng trong một bài báo trên báo mạng Gia đình & Xã hội; sau đó là toàn bộ bài thơ được đăng trên báo Vnexpress; Máy bay rơi và Bỏ con bơ vơ đều được khơi nguồn cảm hứng từ những thông tin liên tục trên các báo đài; đặc biệt trên các bản tin thời sự của VTV.


Nên có thể coi đây là các bài Xẩm được chuyển thể từ các tác phẩm báo chí. Câu chuyện được giãi bày qua các ông nghệ sĩ nửa mùa thích ngồi trà đá, bàn chuyện thế sự…


Tập trung khai thác vấn đề thời sự, nhấn mạnh yếu tố truyền thông cũng là thế mạnh và đặc trưng của Xẩm. Từ xa xưa, các nghệ nhân hát xẩm đã luôn biết sáng tác hoặc ứng tác trực tiếp những vấn đề mang tính thời sự được cộng động nơi các nhóm hát xẩm đang hoạt động quan tâm.


Đặc điểm này có được bởi tính chất nghề nghiệp của hát xẩm. Người hát xẩm thường thấy chính tiếng đàn lời ca để làm nghề kiếm sống. Và vì thế người hát xẩm luôn phải biết chiều lòng người nghe, có như thế mới kiếm được lượng tiền thưởng để sinh tồn với nghề.


Cũng chính từ thế mạnh của truyền thông, mà trong quá khứ, có thể do phát sinh từ thời cuộc mà các nghệ nhân hát xẩm đã hát lên những lời ca thúc giục các chí sĩ ra đi tìm đường cứu nước, cũng có thể các nghệ nhân hát xẩm thấm nhuần tư tưởng cách mạng.


Ngày hôm nay, Xẩm cũng muốn được tiếp tục thế mạnh đó góp sức giúp cuộc sống tích cực hơn trong công cuộc xây dựng và phát triển…



Sở dĩ, MV có tên “Xẩm trà đá” bởi trà đá giống như một hình ảnh khá đặc thù của Hà Nội, với những quán nước nhỏ xinh nơi vỉa hè, thu hút rất đông đảo người tới nhấp chén trà, tán chuyện, “chém gió”… những khi rảnh rỗi.


Cũng tại đây, “thông tấn xã trà đá” liên tục được cập nhật tất cả mọi chuyện trên trời dưới bể, từ nhà ra ngõ, từ đời sống lên mặt báo…, tin tức lại “thông tấn xã trà đá” luôn nhanh nhạy và rôm rả không thua kém bất cứ một kênh thông tin nào. Ý tưởng “Xẩm trà đá” ra đời từ đó, vừa là thể hiện hình ảnh xẩm gắn bó với đời sống bình dị của người dân, bởi xẩm vốn gắn với vỉa hè, góc phố, góc chợ, bến xe tàu…vừa là thể hiện một hình ảnh đặc trưng của phố phường Hà Nội trong cuộc sống nhộn nhịp ngày hôm nay.


MV “Xẩm trà đá” không chỉ bao quát thông tin thời sự, thể hiện được rõ nhất hình ảnh Xẩm ngày hôm nay sống trong đời sống hàng ngày như thế nào mà còn mang hy vọng tạo được một hình ảnh mới mẻ, đặc biệt sống động cho Xẩm hôm nay. Đây cũng là khát vọng mong muốn nghệ thuật hát xẩm gần hơn nữa với đời sống nghệ thuật và đáp ứng được một phần nhu cầu giải trí vốn đa dạng của công chúng trong giai đoạn hiện nay.



Khi thực hiện hình ảnh, đạo diễn Nguyễn Nhật Giang đã cố gắng tạo nên những hình ảnh hiện đại nhất, giới thiệu được những đặc trưng nhất của Hà Nội vừa hiện đại lại cổ kính, Ngay ở phần đầu của MV xuất hiện hình ảnh một chàng thanh niên phong cách hiện đại, đi xe máy chạy qua Hồ Gươm, phố Tràng Tiền và Nhà hát lớn để rồi rẽ vào quán trà đá phố cổ mang phong cách Pháp. Để rồi từ đó câu chuyện bắt đầu.


'Xẩm trà đá': Bản tin Xẩm đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam - Ảnh 2


Thú vị với “Xẩm trà đá”, Hoa hậu quý bà châu Á tại Mỹ, Sonya Sương Đặng, cũng đã bay về Việt Nam tham gia quay hình với vai diễn là cô hàng trà đá nóng bỏng, xinh đẹp, là “tâm điểm” tán tỉnh của ông nhà thơ sợ vợ Khương Cường.


Hình ảnh của cô hàng trà đá cũng được xây dựng dựa trên những câu chuyện hotgirl trà đá nóng bỏng, sexy mà từ lâu vẫn ồn ào trên báo chí. Hoa hậu quý bà Sương Đặng cũng có những ngại ngùng khi lần đầu tham gia vào một dự án nhạc dân gian vốn chị chưa hiểu biết nhiều, lại có hình ảnh hơi… sexy, nhưng chị vượt qua ngại ngùng đó với suy nghĩ: sẽ giới thiệu thêm cho kiều bào hải ngoại nơi chị đang sống, cho bạn bè quốc tế mà chị biết đến Xẩm, nghệ thuật dân gian độc đáo có một không hai của Việt Nam.


Trước đó, Hoa hậu quý bà Sương Đặng cũng từng biết đến xẩm khi hướng dẫn các con mình hiểu về lịch sử, nghệ thuật dân tộc. 3 cậu con trai của chị đều sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, hiện cả gia đình định cư tại Mỹ, trong việc giáo dục con cái, Hoa hậu luôn hướng đến việc giúp các con hiểu và nắm rõ lịch sử, văn hóa Việt Nam, chính vì vậy, chị thường tìm kiếm khá nhiều các tư liệu lịch sử, nghệ thuật cho các con.


'Xẩm trà đá': Bản tin Xẩm đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam - Ảnh 3


Hoa hậu quý bà Sương Đặng vào vai cô nàng bán trà đá trong MV xẩm.


Khi nhóm xẩm Hà Thành mời chị tham gia MV “Xẩm trà đá” dù lo lắng vì chưa từng tham gia MV, nhưng chị rất hào hứng và cũng để các con thấy rõ hơn nghệ thuật dân tộc Việt hôm nay. Cô hàng trà đá Sonya Sương Đặng cũng giống bất kỳ cô hàng trà đá sành điệu nào có mặt tại Hà Nội, đạo diễn MV cố tình để Hoa hậu tự nhiên nhất, “ngây thơ” nhất khi trở thành “nàng trà đá” xinh đẹp.


Hoa hậu Sương Đặng chia sẻ, chị sẽ tiếp tục tham gia các dự án nghệ thuật dân tộc của Việt Nam, bởi chị muốn góp sức nhỏ bé của mình góp phần quảng bá nghệ thuật dân tộc Việt rộng hơn nữa, trước mắt là tới những kiều bào đang sống ở hải ngoại, đến thế hệ các em nhỏ lớn lên ở hải ngoại được tiếp cận với nghệ thuật dân tộc nước nhà.


Xẩm Trà đá là một MV có độ dài gần 9 phút, đây có thể coi là một liên khúc xẩm gồm nhiều bài được gắn kết với nhau bằng một nội dung câu chuyện. Phần lời chủ yếu do nhạc sĩ Nguyễn Quang Long sáng tác, bên cạnh đó có sử dụng 01 bài thơ của tác giả Duy Tuấn do các nam nghệ sĩ của nhóm Xẩm Hà Thành: Khương Cường, Nguyễn Shan, Quang Long thể hiện. Bao gồm các bài chính:


1. Tắm tri ân – lời thơ: Duy Tuấn – xẩm chợ – người hát Quang Long


2. Dân làng tự lo giữ rừng – lời thơ: Nguyễn Quang Long – xẩm tàu điện – người hát Khương Cường


3. Bỏ con bơ vơ – trích thơ: Nguyễn Quang Long – xẩm thập ân – người hát Khương Cường


4. Máy bay rơi – trích thơ: Nguyễn Quang Long – xẩm tàu điện – người hát: Quang Long – Thanh Sơn – Khương Cường


Ngoài những bài chính thì MV còn có phần mở đầu, kết thúc, dẫn nối, đối thoại bằng âm nhạc hát xẩm đã biến MV trở thành một câu chuyện được kể bằng âm nhạc – cũng là một trong những đặc điểm đặc trưng của hát xẩm truyền thống. Ngoài những điệu xẩm được vận dụng trong các bài chính, ở phần phụ còn có một số điệu hát như Sa Mạc, Trống Quân.


Nhã Hương


Photo: Hải Hoàn




'Xẩm trà đá': Bản tin Xẩm đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét