Ai cũng cho rằng chọn góc chụp là quan trọng. Nhưng, đôi khi người chụp phải bấm máy ngay tức thời những gì họ nhìn thấy thoáng qua. Khoảnh khắc được ghi lại kịp thời và tại thời điểm bấm máy không cho người chụp đủ thời gian để thay đổi vị trí chọn góc bấm máy. Ai cũng biết góc chụp tốt có khi chỉ là thao tác lắc nhẹ hướng ống kính ngay khi đưa máy lên để có một khung hình khác biệt. Điều đó được những người chụp ảnh xử lý như một "phản xạ tự nhiên" và tỷ lệ bố cục hay kết cấu ảnh của họ được chọn như một thói quen của "trực giác". Nhưng, trước khi nó trở thành thói quen, hay thành phản xạ tự nhiên, phải bắt đầu từ những bước tập luyện chọn góc chụp và các thành phần phụ tạo nên kết cấu cho khung ảnh.Mọi quy tắc như những vật dụng giúp một đứa trẻ tập đi, rồi sau đó chúng sẽ chạy nhảy tự do.
Nên xem lại Bài 1: "bố cục cơ bản – Tỷ lệ vàng" – Link
A. Vài góc chụp cơ bản
Góc nhìn ngang, từ ngang ngực trở lên tầm mắt là góc tự nhiên của góc mắt nhìn. Góc này ít mang lại ấn tượng độc đáo nhất trong nhiếp ảnh. Thường, nếu được, người chụp sẽ di chuyển, từ nhiều vị trí khác nhau, và tìm một góc chụp ấn tượng mà họ thích thú nhất. Nhưng, nên lưu ý là góc chụp liên quan mật thiết với tiêu cự ống kính. Cùng góc chụp, ống góc rộng (wide) và ống góc hẹp (tele) cho kết quả khác hẳn nhau. Thường với ống góc rộng thì các đường thẳng hội tụ tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong khi ống góc hẹp cho kết quả các lớp ảnh như sít lại gần nhau.
- Góc cao, vị trí chụp từ trên cao xuống kết hợp với việc chọn tiêu cự ống kính rộng dễ tạo ý đồ lạ cho khung ảnh. Chẳng hạn chụp ống góc rộng, nếu chụp ngược từ dưới sẽ thấy chủ đề to lớn, mạnh mẽ, quyền uy nhưng nếu đổi góc trên xuống, chủ thể ấy trở nên nhỏ bé yếu ớt.
Trẻ con Tây Nguyên
Cảng Nhatrang 2000 – Film
- Góc thấp, thường được chọn chụp với góc ảnh rộng, tạo sự cao lớn, bao la, mạnh mẽ. Nếu trong kiến trúc, sẽ tạo sự cao vút với sự hội tụ của các đường thẳng đứng rất mạnh; thậm chí một cây hoa cũng có thể tạo hiệu ứng cao vút, sự vươn lên của một ngọn cây lên bầu trời.
Đồi cát Bầu Trắng – Bình Thuận
- Sử dụng ống góc hẹp đứng ở vị trí xa chụp hoặc chụp sát chủ thể với ống góc rộng cũng tạo hiệu ứng tiêu cự khác lạ tuỳ theo ý đồ. Nếu đứng từ xa chụp một hàng cây với ống góc hẹp (tele), các lớp cây sẽ như rút ngắn khoảng cách giữa chúng với nhau, các lớp ảnh sát nhau. Nếu chụp với ống góc rông, khung cảnh như được xé toác ra, hoặc phình bự ra tạo hiệu ứng với một chủ ý khác.
Ống góc rộng 16mm tạo hiệu ứng phình to tiền cảnh.
Thực tế cái thúng cách bờ đá một quảng, nhưng dùng tele 400mm thì trong ảnh giống như mấy đứa trẻ ra thúng sát bên vách đá.
Gành Son – Ninh ThuậnB. Khung hình và quan điểm mới về bố cục
Khung hình: Máy ảnh có nhiều tỷ lệ khung: 2 x 3 như tấm film, 3 x 4, 1 x 1 (film khổ vuông như các máy khổ film 6 x 6) 9 x 16 … Khung ngang là khung được sử dụng nhiều và dễ chụp vì hợp với góc nhìn của đôi mắt. Thử chuyển cùng cảnh vật sang khung đứng, tự nhiên đôi mắt nhìn tập trung vào phần dưới của khung, vị trí mà các chủ đề được nhấn mạnh. Khung đứng đòi hỏi sắp xếp kết cấu bố cục khó hơn khung ngang. Nhiều chủ đề thích hợp khung ngang thì cũng nhiều chủ đề chỉ phù hợp với khung đứng. Tuỳ nghi sử dụng sao chủ đề được nhấn mạnh và nổi bật trong kết cấu các thành phần bối cảnh.Khung vuông
Khung Pano
Khung ngang và khung đứng, bạn chọn khung nào?
Thay đổi quan điểm về bố cục
Nhiếp ảnh ngay khi ra đời đã chịu ảnh hưởng rất nhiều của hội hoạ. Người ta áp đặt các quy tắc hàn lâm của hội hoạ vốn được các học viện mỹ thuật ưa chuộng lên một bức ảnh. "Tỷ lệ vàng" kinh điển của hội hoạ phục hưng được lấy làm nền tảng cho bố cục nhiếp ảnh, rồi từ đó đưa ra "quy tắc 1/3" được gọi là "đường cắt vàng" nổi tiếng đến tận ngày nay. Quy tắc ấy gieo vào đầu mọi người rằng muốn có bố cục hài hoà thì phải chia các khu vực của bức ảnh theo tỷ lệ 1/3 hay 2/3 theo chiều ngang và đứng. Và, không được đặt đường chân trời giữa bức ảnh, mỗi khung ảnh phải có điểm mạnh được tập trung sự chú ý, hướng nhìn phải ánh mắt phải vào trong chứ không đi ra mép ảnh, không đặt chủ thể giữa khung…v….v…. Cả một hệ thống quy tắc bất dịch như công thức cho người chụp ảnh, người bình ảnh, người xem ảnh, thậm chí các nhà nghệ sĩ chấm ảnh thi cũng lấy đó làm tiêu chí chọn ảnh đẹp.Nhưng,
- Muốn diễn tả sự lộn xộn thì bố cục nào hay hơn "bố cục rối rắm"!
- Muốn lấy màu sắc làm chủ đề bức ảnh thì cần gì tới "điểm mạnh"!
Những người chụp ảnh ngày càng bác bỏ những quy luật kinh điển hẹp hòi về bố cục để tìm kiếm sáng tạo những bố cục theo suy nghĩ chủ quan hơn. Cứ tuân theo luật nếu nó hiệu quả; nếu không hiệu quả thì hãy bỏ qua và đi theo cách riêng của mình. Bố cục là cái người ta "nhìn thấy" và "suy nghĩ", đặc thù và độc đáo, nên quan trọng là phải "nhìn thấy" và những gì bạn "suy nghĩ". Bố cục xuất hiện để đáp ứng nhu cầu khoảnh khắc mà người chụp cảm thấy phù hợp để ghi nhận và chuyển tải nội dung hay ý nghĩa của cảnh huống ấy.
C. Những chủ đề phụ trong khung ảnh
Chủ đề chính mà người chụp xác định cho ảnh của mình, có thể là:
- Một chủ đề tĩnh, bất động cho phép người cầm máy đủ thời gian cần để xử lý khung ảnh tốt nhất có thể. Họ sẽ xem xét chủ đề ở nhiều góc, hướng sáng, kết cấu thành phần… và lựa chọn kỹ thuật phù hợp. Người chụp suy gẫm nhiều.
- Một chủ đề động, dịch chuyển liên tục, khoảnh khắc không lập lại, rất khó để tóm được cái "thần" của cảnh huống với một cú bấm duy nhất, vì không biết trước và sau của sự chuyển động. Người chụp cần khả năng quan sát nhạy bén, đoán trước tình huống, sẵn sàng và phản xạ nhanh.
- Ảnh mang tính cụ thể như một căn nhà, một con người trong các loại ảnh thẻ, minh hoạ catalogue…
- Ảnh mang tính chủ đề trừu tượng như một vẻ đẹp, sự ngạc nhiên, rạng rỡ, niềm vui hạnh phúc, sự giận dữ, mạnh mẽ, quý phái… Người chụp cần có đủ nhạy cảm để cảm nhận tính chất ấy nơi chủ đề và đủ nhanh nhạy làm bộc lộ nó trong khung ảnh của mình.
Còn các chủ đề phụ?Nhiều bức ảnh không đạt hiệu quả như ý muốn, chỉ vì người chụp không chú ý hoặc chưa đúng mức đến các chủ đề phụ xuất hiện trong khung ảnh. Tự thân các chủ đề phụ vẫn là phụ, nhưng chúng vẫn có sự tác động mạnh đến ấn tượng chung của toàn khung. Đó là hậu cảnh, tiền cảnh, bầu trời, đường chân trời.
Hậu cảnh
Phần phía sau là hậu cảnh của chủ đề. Hậu cảnh không nên có màu sắc, hình thù, độ sáng… tương tự với chủ đề, làm cho chủ đề lẫn lộn với hậu cảnh, không phân biệt đâu là chủ đề và đâu là hậu cảnh. Người ta gợi ý các cách:
- Dùng ánh sáng tách bạch thị giác để phân biệt chủ đề và hậu cảnh, nhìn thấy cái này nhạt hơn hoặc đậm hơn cái kia tạo được sự tách bạch giữa chủ đề chính và hậu cảnh. Bạn xem ảnh sau sẽ thấy có tấm chủ đề bị chìm hẳn trong hậu cảnh.
- Dùng ống có khẩu độ lớn đẻ làm mờ nhoà hậu cảnh và làm chủ đề nổi bật, tạo ấn tượng chiều sâu hoặc gần xa giữa chủ đề chính và hậu cảnh bằng sự tương phản mờ và rõ.
Chỉ có ý chụp sợi dây @Khacten.com trên cổ @cuhiep
Sử dụng khống chế khoảng ảnh rõ để tách các lớp ảnh trước sau.
- Lia máy để làm rõ chủ đề chính đang chuyển động với hậu cảnh, chủ đề rõ nét trên hậu cảnh mờ nhoè hậu cảnh hoặc xung quanh và cũng tao ấn tượng chuyển động cho ảnh.
Phố Saigon mùa mưa
Em bé Chămpa giữa lớp lớp đồ gốm
- Đặt chủ đề trên nền hậu cảnh có màu sắc trung tính, không sặc sỡ, nổi bật chi tiết gây tác động sự tập trung mắt nhìn. Nền da trời được cho là trung tính và dễ làm nền nhất.
Thả diều – Vũng TàuTiền cảnh
Tiền cảnh biểu trưng sự gần gũi còn hậu cảnh diễn tả khoảng cách xa xôi không gian. Khi chọn nhấn mạnh tiền cảnh hay hậu cảnh là người chụp muốn diễn tả một ý đồ cụ thể.
- Nghiêng máy lên/xuống để lấy nhiều/ít tiền cảnh.
- Dùng ống tele thì giảm cảm giác chiều sâu ảnh, dùng wide để nhấn mạnh tiền cảnh.
- Dùng một vật tiền cảnh tạo tương phản gần xa / chiều sâu ảnh.
Nhà thờ Mằng Lăng Quy Nhơn qua cái quai của lư hươngBầu trời
Khi chụp ngoài trời, hãy chú ý bầu trời ngoài việc tập trung vào các đồ vật, con người, sự việc đang diễn ra dưới đất. Bầu trời có hiệu ứng tác động rất mạnh đến ấn tượng hình ảnh. Và, thời điểm chụp bầu trời khác nhau sẽ có hiệu quả hình ảnh khác nhau. Chọn góc chụp và thời điểm chụp lấy hậu cảnh mây trời là điều thú vị.
Bình minh Nhatrang
Nung gốm lộ thiên – Phan Rí
Đường chân trời
Là đường phân chia bức ảnh thành hai phần chính. Nó thẳng hay không thẳng đều tác động đến khung ảnh. Đường chân trời thấp thì khoảng trời bay bổng rộng lớn nhấn mạnh đại cảnh; đường chân trời cao , khoảng trời hẹp lại thì chi tiết dưới đất được nhấn mạnh/.
Bãi san hô Cổ Thạch – Ninh ThuậnTỷ lệ trời / đất cân bằng thì bố cục rất tĩnh lặng, đơn điệu của chủ đề được diễn tả, tỷ lệ càng lệch thì sự tương phản / đối lập càng tăng, đối tượng nhấn mạnh và đối tượng giảm nhẹ được phân biệt rõ hơn.
Đường chân trời gợn sóng, gấp khúc, cong, thẳng… đều có hiệu ứng ảnh khác nhau. Sự biến đổi, kịch tính… được diễn tả mạnh hơn với sự đối nghịch điểm cao / thấp của đường chân trời.
Lên đồi cát Nam Cương – Ninh Thuận
Múa Cồng Chiêng K;ho – Chụp = ống mắt cáMọi lý thuyết đều xám xịt
Còn cây đời mãi mãi xanh tươi
[Goethe – Hy Lạp]Bài viết cơ bản dành cho các bạn mới bắt đầu.
Chúc các bạn thích chụp ảnh chụp được nhiều ảnh ưng ý!
Chủ đề tương tự
- [Chụp ảnh CB] Để chụp ảnh đẹp hơn, hãy chọn hướng sáng tốt – P.1Đang tải…
- Mua máy ảnh nào với khoản ngân sách 5 – 10 triệu?Đang tải…
- Hiệu ứng "gần – xa" của ống kính góc rộng – Mời anh em chia sẻ ảnhĐang tải…
- Hướng dẫn sử dụng lồng chụp sản phẩm dành cho điện thoạiĐang tải…
- Sử dụng ngàm chuyển đổi cho máy ảnh mirrolessĐang tải…
[Nhiếp ảnh CB] Bố cục và những chủ đề phụ trong khung ảnh - Phần 2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét